VPG – Sóng lợi nhuận, bão pháp lý.
1. Bứt phá lợi nhuận nhờ bàn giao Royal River City.
Quý 4/2024 đánh dấu bước ngoặt lớn trong hoạt động kinh doanh của VPG khi doanh thu thuần đạt 6.259 tỷ đồng, tăng gấp hơn 8 lần cùng kỳ, và LNST cổ đông công ty mẹ tăng hơn 230% lên 86,35 tỷ đồng. Động lực chính đến từ mảng BĐS, đóng góp 70% lợi nhuận gộp quý này.

Nguồn thu chủ yếu đến từ việc ghi nhận doanh thu bàn giao dự án Royal River City – khu nhà liền kề và shophouse cao cấp bên bờ sông Tam Bạc (Hải Phòng).
Tính đến cuối quý 1/2025, VPG đã ghi nhận 595 tỷ đồng doanh thu từ dự án này. Theo công bố, tổng doanh thu dự kiến đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, tức VPG vẫn còn khoảng 705 tỷ đồng doanh thu chưa ghi nhận. Điều này mở ra triển vọng lợi nhuận tiếp tục đột biến trong năm 2025 từ phần còn lại của dự án.

2. Hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi ngành thép.
Trong bối cảnh đầu tư công được đẩy mạnh và chu kỳ hồi phục của ngành thép đang tới, nhu cầu tiêu thụ thép dự báo tăng, kéo theo nhu cầu khai thác quặng sắt và than cốc để sản xuất thép.
Mặc dù hiện tại biên lợi nhuận của hai mảng này còn thấp (trong đó than cốc vẫn ghi nhận lỗ trong quý 1/2025), nhưng nếu giá hàng hóa phục hồi nhờ nhu cầu tăng, VPG có thể tận dụng lượng tồn kho tích lũy trước đó để cải thiện biên lợi nhuận.
3. Doanh thu ổn định từ các hợp đồng than nhiệt.
Trong năm 2024, VPG đã ký nhiều hợp đồng bán than nhiệt với tổng giá trị lên đến gần 10.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 12 đến 18 tháng, trải dài đến hết năm 2025.
Đây là nguồn thu đảm bảo cho VPG trong ít nhất một năm tới, giúp doanh nghiệp duy trì dòng tiền đều đặn, giảm áp lực tài chính.
4. Cơ hội từ chiến tranh thương mại.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể tạo ra cơ hội ngắn hạn và trung hạn cho các doanh nghiệp khoáng sản ngoài Trung Quốc. Động thái hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc đối với nhiều loại khoáng sản và áp thuế vào mặt hàng than đá, khí LNG từ Mỹ, sẽ tạo ra khoảng trống nguồn cung, giúp các doanh nghiệp như VPG tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu hoặc giữ giá bán trong nước ở mức cao hơn.

5. Liệu có trở lại thời kỳ hoàng kim 2020 – 2021?
Giai đoạn năm 2020 – 2021, cổ phiếu VPG từng tăng gấp 8 lần nhờ hai yếu tố: (1) mảng BĐS ghi nhận lợi nhuận lớn từ dự án Việt Phát South City và (2) mảng khoáng sản bùng nổ theo chu kỳ ngành thép.
Hiện nay, các yếu tố này đang lặp lại. Royal River City là dự án bất động sản chủ lực giai đoạn 2025 – 2026. Mảng khoáng sản được kỳ vọng phục hồi mạnh theo đầu tư công, giá hàng hóa và chu kỳ ngành thép. Điều này mở ra khả năng doanh nghiệp bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
6. Rủi ro từ sự kiện pháp lý của ban lãnh đạo.
Diễn biến cổ phiếu VPG gần đây đang liên tục “nằm sàn” sau thông tin ông Nguyễn Văn Bình (cựu Chủ tịch HĐQT Việt Phát) và ông Nguyễn Văn Đức (Tổng giám đốc), bị khởi tố về tội đưa hối lộ xảy ra tại công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung.
Dù tác động pháp lý hiện chưa ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh cốt lõi, đây vẫn là rủi ro cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn tăng tốc.
Nội dung được phân tích bởi đội ngũ ALIAS (vui lòng copy nhớ ghi nguồn):
MR TRỊNH THẾ HOÀN – Giám đốc TVĐT VPS.
MS TRỊNH NGỌC HÀ – Trưởng phòng phân tích.
Zalo: 0366.282.656 hoặc 0345.666.656
Nhóm Zalo tư vấn của đội ngũ ALIAS: https://alias.vn/tham-gia-nhom-tu-van-cua-doi-ngu-alias/