Khi nào khối ngoại ngừng bán ròng.
1. Các nguyên nhân chủ yếu khiến cho khối ngoại bán ròng.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho quỹ ngoại bán ròng như quỹ bị giải thể, cổ phiếu vi phạm các nguyên tắc, các quỹ thay đổi chiến lược đầu tư… Nhưng xét một cách tổng quan thì khối ngoại thường bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu vì những lý do sau đây:
I. Biến động tỷ giá USD/VND.
Bắt đầu từ tháng 9/2022, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, nhưng đến tháng 11/2022 tỷ giá đã quay đầu giảm.
Khi tỷ giá có dấu hiệu tăng mạnh trong tháng 9 – 10/2022, nước ngoài đã bán ròng liên tục. Nhưng khi tỷ giá có dấu hiệu bắt đầu hạ nhiệt từ tháng 11/2022, cùng với nhiều cổ phiếu đã giảm từ 70 – 90% từ đỉnh, khối ngoại đã quay lại bắt đáy kỷ lục gần 31.000 tỷ chỉ trong vòng 2 tháng.
Từ tháng 6/2023, tỷ giá USD/VND tăng liên tục và hiện tại đã chạm đến mức trần của ngân hàng nhà nước.
Đây cũng là nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng hơn 50 nghìn tỷ, gấp đôi so với cả năm 2023.
Đối với các quỹ ngoại, tỷ giá là yếu tố rất quan trọng. Khi tỷ giá tăng, các quỹ thường có xu hướng rút tiền về nước để bảo toàn tài sản khỏi sự mất giá của đồng tiền tại các gia đang đầu tư.
II. Tiềm năng của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Thực chất khối ngoại chỉ hoạt động mạnh ở các doanh nghiệp lớn, cổ phiếu có vốn hóa 1-2 tỷ USD cũng chỉ là cổ phiếu quy mô nhỏ đối với dòng tiền khối ngoại.
Trong năm 2016, nước ngoài đã bán ròng 6.766 tỷ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở cổ phiếu VIC.
Năm 2017, các doanh nghiệp lớn như VNM, PLX được nhà nước thoái vốn, VRE niêm yết trên sàn chứng khoán đã được khối ngoại tham gia mua mạnh, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại 2017 lên tới 27.890 tỷ.
Năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến khối ngoại mua ròng kỷ lục với giá trị khoảng 39.900 tỷ. Trong đó khối ngoại mua ròng gần 26.000 tỷ khi VHM niêm yết lên sàn chứng khoán.
Phiên VHM niêm yết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến phiên giao dịch tỷ USD đầu tiên.
Tiền của các quỹ đầu tư nước ngoài chủ yếu nằm tại các cổ phiếu vốn hóa lớn, do đó tiềm năng tăng trưởng của các cổ phiếu này cũng sẽ có sự tác động đến việc mua, bán ròng của khối ngoại.
Nhiều cổ phiếu tiềm năng tăng trưởng dài hạn, định giá hợp lý như REE, ACB vẫn luôn trong tình trạng FULL ROOM trong năm 2024. Chính vì thế chất lượng doanh nghiệp cũng tác động lớn tới xu hướng mua bán ròng của nước ngoài. Nếu NĐT tìm được các cổ phiếu tăng trưởng tốt thì vẫn có thể yên tâm đầu tư, thậm chí khối ngoại còn mua mạnh các cổ phiếu đó, điển hình gần đây DBC, TCH được khối ngoại mua ròng rất mạnh.
III. Chốt lời hoặc cắt lỗ.
Trong năm 2020 – 2021, nhờ vào môi trường lãi suất liên tục hạ nhiệt, thị trường chứng khoán tăng mạnh. Khi giá cổ phiếu tăng nóng, khối ngoại đã liên tục chốt lời các cổ phiếu đã mua ở các năm trước đó, điển hình có HPG, VPB, SSI, CTG… Ngoài ra, tận dụng thị trường hưng phấn, khối ngoại cũng thoái vốn khỏi những cổ phiếu không có nhiều dư địa tăng trưởng như VNM.
Tộng cộng khối ngoại bán ròng tới 62.538 tỷ trong năm 2021.
2. Biến số sẽ khiến khối ngoại dừng bán ròng.
Thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính dẫn tới việc khối ngoại liên tục bán ròng vẫn là do áp lực tỷ giá. Chính vì thế muốn khối ngoại dừng bán ròng thì trong tương lai, xu hướng của tỷ giá phải hạ nhiệt.
Để ổn định tỷ giá, NHNN đã bán khoảng 5.5 tỷ USD ngoại hối ra ngoài thị trường, còn tính lũy kế từ đầu năm 2024 thì ngân hàng nhà nước đã bán khoảng 6.2 tỷ USD.
Trong 6T/2024, thặng dư thương mại của Việt Nam là 11.6 tỷ USD. Nhưng sự thặng dư thương mại chỉ diễn ra trong khối FDI, còn khối nội liên tục ghi nhận thâm hụt thương mại kể từ đầu năm 2024, điều này sẽ tác động tiêu cực tới dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Ngoại hối các tháng cuối năm đang chông chờ vào dòng vốn FDI hoặc từ kiều hối. Nếu bán USD không đủ để ổn định tỷ giá, NHNN có thể phải dùng tới những động thái thắt chặt hơn trong tương lai.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, mức độ mất giá của VND so với USD là 4.66%, đây vẫn là mức tương đối thấp khi so với các quốc gia trong cùng khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Hàn Quốc…
Khi giá trị đồng nội địa của các nước giảm mạnh, dòng vốn USD có xu hướng rút về thị trường Mỹ.
Biến số quan trọng nhất sẽ giải tỏa được áp lực tỷ giá đó chính là thời điểm FED giảm lãi suất. Vì tỷ giá tăng không chỉ do nhu cầu, mà do tâm lý của NĐT đang kỳ vọng giá trị USD sẽ tiếp tục tăng, dẫn tới tình trạng đầu cơ tích trữ, găm giữ đồng đô. Khi FED bắt đầu giảm lãi suất thì tâm lý đầu cơ USD sẽ được giải tỏa, từ đó giúp cho lượng cung USD sẽ dồi dào hơn, hệ quả tất yếu là tỷ giá sẽ hạ nhiệt.
Hiện tại có 68.5% NĐT kỳ vọng FED sẽ giảm lãi suất trong tháng 9, đây chưa phải tỷ lệ quá cao, NĐT cần tiếp tục theo dõi các chỉ số như DXY, hay lịch công bố CPI của Mỹ vào ngày 11/7/2024.
Nội dung được phân tích bởi đội ngũ ALIAS (vui lòng copy nhớ ghi nguồn):
MR TRỊNH THẾ HOÀN – Giám đốc TVĐT VPS.
MR TRẦN QUANG CHUNG – Trưởng phòng phân tích.
Zalo: 0366.282.656 hoặc 0345.666.656
Tham gia nhóm tư vấn của đội ngũ ALIAS: https://alias.vn/tham-gia-nhom-tu-van-cua-doi-ngu-alias/