EIB – Thập kỷ mất mát vì đấu đá nội bộ.
1. Lịch sử EIB – Xung đột cổ đông dẫn đến một thập kỷ mất mát.
Trong giai đoạn trước 2012, EIB là môt trong những ngân hàng đầu ngành tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh ngành, tổng tài sản năm 2004 của EIB chỉ là 8.267 tỷ, nhưng đến 2011 đã tăng lên thành 183.567 tỷ, gấp 22 lần. Đến 2012 – 2013, do bong bóng BĐS phát nổ nên sự tăng trưởng quy mô của EIB có phần chững lại. Bắt đầu từ năm 2014, nhóm cổ đông liên quan đến Nam Á Bank bắt đầu mua lượng lớn cổ phần tại EIB với mục đích nhằm thâu tóm ngân hàng này, và mầm mống của cuộc xung đột bắt đầu xảy ra tại đây. Quá trình xung đột giữa EIB và nhóm cổ đông liên quan đến Nam Á Bank kéo dài từ 2014 đến hết 2019, điều này gây ra ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình kinh doanh của EIB, bằng chứng là quy mô tổng tài sản của EIB giảm rất mạnh trong những năm xung đột cao trào nhất như 2015, 2016.
Trong giai đoạn từ khi thành lập đến 2011, EIB là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất ngành, lợi nhuận 2004 của EIB chỉ là 0 tỷ, nhưng đến 2011 đã tăng lên thành 3.039 tỷ. Đến 2012 – 2013, do bong bóng BĐS phát nổ nên lợi nhuận của EIB sụt giảm liên tục, từ mức 3.039 tỷ trong năm 2011 xuống chỉ còn 659 tỷ trong 2013. Bắt đầu từ 2014 – 2019, do ban lãnh đạo và các cổ đông lớn chỉ tập trung đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực, nên lợi nhuận của EIB đã ghi nhận sự sụt giảm rất mạnh xuống chỉ còn 56 tỷ trong 2014, 40 tỷ trong 2015, trong các năm tiếp theo lợi nhuận của EIB đã ghi nhận sự phục hồi trở lại nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn hoàng kim trước đó. Phải đến tận 2022, khi ngành ngân hàng bước vào sóng tăng trưởng mạnh, lợi nhuận của EIB mới tiệm cận mức đỉnh của 2011.
Trước 2014, EIB, ACB, STB, TCB là những ngân hàng có quy mô gần tương đương nhau, nhưng vì trong giai đoạn 2014 – 2019 EIB xảy ra đấu đá nội bộ liên tục, điều này đã dẫn đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng ngày bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, do đó đến 2023 quy mô của ACB, STB, TCB đã bỏ xa EIB.
Trong quá khứ, EIB từng là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có mức lợi nhuận cao nhất ngành, như trong 2012 lợi nhuận của EIB ở mức cao hơn rất nhiều khi so với ACB, STB, TCB. Nhưng do sau cuộc khủng hoảng BĐS 2012 – 2013, thay vì tập trung vào hoạt động kinh doanh để giúp ngân hàng phục hồi trở lại thì EIB xảy ra các cuộc đấu đá nội bộ, điều này dẫn đến cơ cấu nhân sự cấp cao bị thay đổi liên tục, từ đó tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của ngân hàng này. Đến 2023, lợi nhuận của EIB đã ở một mức rất thấp khi so với các đối thủ trong quá khứ như ACB, STB, TCB.
Biểu đồ bên dưới là tóm tắt diễn biến của cổ phiếu EIB kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay.
2. Hiện nay EIB đang kinh doanh ra sao.
Trong 2023, do nền kinh tế khó khăn nên nợ xấu của EIB tăng liên tục, đến Q1/2024, nợ xấu của ngân hàng này là 2.86%, đây là tỷ lệ nợ xấu tương đối cao. Tuy rằng có tỷ lệ nợ xấu tương đối cao, nhưng bao phủ nợ xấu của EIB lại ở mức rất thấp khoảng 37.31%. Với việc nợ xấu ở mức cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp, điều này sẽ tạo ra áp lực trích lập dự phòng rất lớn đối với EIB trong các quý tiếp theo.
NIM là sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay, hay hiểu một các đơn giản NIM chính là phần trăm lợi nhuận mà ngân hàng nhận được trong hoạt động cho vay. Xét về khía cạnh NIM thì EIB không có gì quá nổi bật khi so với các ngân hàng khác, thậm trí NIM của ngân hàng này còn thấp hơn các ngân hàng có quy mô tầm trung như TPB, MSB.
CASA là các khoản tiền gửi không kỳ hạn, theo quy định thì mức lãi suất tối đa được phép trả cho các khoản tiền gửi không kỳ hạn là không quá 1%, thường thì lãi suất không kỳ hạn hiện nay tại các ngân hàng đang giao động trong khoảng 0.1% – 0.5%. Với việc lãi suất phải trả cho các khoản tiền gửi ở mức rất thấp, do đó ngân hàng nào có CASA càng cao thì phần nào sẽ có lợi thế hơn khi so với các ngân hàng khác về chi phí huy động. Đối với EIB thì CASA của ngân hàng này trong Q1/2024 là 14.18%, thấp hơn cả tỷ lệ CASA trung bình ngành khoảng 19%.
3. Lần đầu trả cổ tức bằng tiền sau 10 năm.
Trong năm 2024, EIB dự kiến trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 3%, cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 7%. Như vậy đây là lần đầu tiên kể từ 2014 EIB bắt đầu trả cổ tức bằng tiền trở lại.
4. Khuyến nghị.
EIB là một ngân hàng không quá nổi trội khi so với các đối thủ cùng ngành, nhưng hiện nay vấn đề đấu đá nội bộ tại EIB gần như đã kết thúc, do đó chỉ cần ngân hàng này duy trì được sự ổn định trong bộ máy nhân sự cấp cao và tập trung vào hoạt động kinh doanh thì dư địa tăng trưởng trong tương lai vẫn còn rất lớn. Để duy trì được sự ổn định và tập trung hoàn toàn vào hoạt động kinh doanh thì hiện nay EIB cần một nhóm cổ đông nắm quyền chi phối toàn bộ ngân hàng, khi đó thì mới có thể loại bỏ đi nguy cơ tiếp tục xảy ra tình trạng đấu đá nội bộ trong tương lai. Gần đây, xuất hiện tin đồn tập đoàn GEX đang lên kế hoạch mua một lượng lớn cổ phần tại EIB, điều này đã có tác động tích cực đến diễn biến của giá cổ phiếu về lâu dài.
Nội dung được phân tích bởi đội ngũ ALIAS (vui lòng copy nhớ ghi nguồn):
MR TRỊNH THẾ HOÀN – Giám đốc TVĐT VPS.
MR TRẦN QUANG CHUNG – Trưởng phòng phân tích.
Zalo: 0366.282.656 hoặc 0345.666.656
Nhóm Zalo tư vấn của đội ngũ ALIAS: https://alias.vn/tham-gia-nhom-tu-van-cua-doi-ngu-alias/