BMC – Liệu sóng Titan có quay trở lại.

1. Sóng Titan 2011 – 2013.
Hoạt động kinh doanh chính của BMC là khai thác, chế biến và kinh doanh sa khoáng Titan. Theo như thông tin công bố từ phía doanh nghiệp, BMC đang sở hữu mỏ sa khoáng Titan Cát Thành với trữ lượng 1.5 triệu tấn.

Chu kỳ 2011 – 2013 là giai đoạn hưng thịnh nhất của BMC, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng đột biến nhờ nhu cầu Titan tăng mạnh và đưa thêm dây chuyền sản xuất Titan GĐ 2 đưa vào hoạt động. Nhưng điều này không kéo dài được lâu, đến 2014, ngành sản xuất Titan bị nâng mức thuế tài nguyên từ 11% lên thành 16%, kết hợp với nhu cầu Titan trên toàn cầu giảm mạnh, từ đó khiến cho doanh thu và lợi nhuận trong nhiều năm tiếp theo của BMC vẫn chưa thể quay lại thời kỳ đỉnh cao.

Nhà máy sản xuất xỉ Titan của BMC có công suất 30.000 tấn sản phẩm xỉ Titan và gang/năm, nhưng sản lượng tiêu thụ thực tế trong nhiều năm qua của doanh nghiệp chỉ khoảng 8.000 tấn/năm, chưa bằng 50% công suất.

2. Cơ cấu tài chính lành mạnh & cổ tức đều đặn.
Tính tại cuối 2024, BMC đang nắm giữ lượng tiền mặt khoảng 80 tỷ và không có nợ vay tài chính.

Kể từ khi niêm yết từ 2006 đến nay, BMC luôn liên tục trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông. Trung bình doanh nghiệp dành ra khoảng 40% – 50% lợi nhuận mỗi năm để trả cổ tức.

3. Liệu sóng Titan có quay trở lại.
Vào ngày 04/02/2025, Trung Quốc đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu 5 loại khoảng sản sang Mỹ để đáp trả lại các lệnh cấm vận và thuế quan lên hàng hóa, điều này sẽ gây ra tình trạng khan hiếm, từ đó khiến cho giá của các loại kháng sản bị hạn chế xuất khẩu tăng cao. Nhưng tiếc là trong 5 loại khoáng sản mà Trung Quốc hạn chế xuất khẩu sang Mỹ không có Titan (Loại khoáng sản chủ lực của BMC).

Titan có tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực như: Hàng không vũ trụ, quốc phòng, y tế, xây dựng, công nghiệp hóa chất, … Do đó, khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu về Titan sẽ càng tăng lên.

Theo ước tính, đến 2030, quy mô của thị tường Titan sẽ đạt 51.89 tỷ USD. Mặc dù nhu cầu về Titan được dự báo sẽ liên tục tăng trong các năm tiếp theo, nhưng Titan không phải là kim loại hiếm nên sẽ rất khó để tạo ra sóng tăng mạnh như chu kỳ 2011 – 2013.

4. Nhiều lần thoái vốn không thành công.
2 cổ đông lớn nhất của BMC là quỹ đầu tư phát triển Bình Định và văn phòng tỉnh ủy Bình Định, đây đều là các tổ chức trực thuộc UBND tỉnh Bình Định và dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Kể từ 2022, UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần thoái vốn tại BMC nhưng không thành công. Trong lần thoái vốn gần nhất, UBND tỉnh Bình Định đăng ký bán hơn 3 triệu cổ phiếu nhưng chỉ bán được 100 cổ phiếu. Điều này có thể là do NĐT đang lo ngại về việc nhà nước cấm xuất khẩu Titan thô, và để xuất khẩu được Titan thì phải chế biến thành các sản phẩm, nhưng công nghệ của BMC đã cũ và tương đối lạc hậu, do đó nếu NĐT tham gia mua số cổ phần mà nhà nước thoái vốn sẽ phải đầu tư thêm rất nhiều thì mới có thể thu hồi vốn một cách nhanh chóng.

Mức giá thoái vốn khởi điểm của nhà nước tại BMC là 22.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức vốn hóa là 276 tỷ. Năm 2024, lợi nhuận của BMC là 25.5 tỷ, vậy nhà nước thoái vốn BMC tại mức định giá P/E = 11 lần, nếu NĐT mua tại mức giá nhà nước thoái vốn thì phải mất 11 năm mới có thể hoàn vốn. Lĩnh vực kinh doanh của BMC là khai thác tài nguyên thiên nhiên, do đó rủi ro lớn nhất của doanh nghiệp là không xin gia hạn được giấy phép khai thác, hoặc trữ lượng khoáng sản tại mỏ dần cạn kiệt, điều này khiến cho giá thoái vốn cổ phiếu BMC tại mức P/E = 11 lần không hấp dẫn được các NĐT tham gia mua.

Nội dung được phân tích bởi đội ngũ ALIAS (vui lòng copy nhớ ghi nguồn):
MR TRỊNH THẾ HOÀN – Giám đốc TVĐT VPS.
MR TRẦN QUANG CHUNG – Trưởng phòng phân tích.
Zalo: 0366.282.656 hoặc 0345.666.656
Nhóm Zalo tư vấn của đội ngũ ALIAS: https://alias.vn/tham-gia-nhom-tu-van-cua-doi-ngu-alias/